Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp như gạo, hải sản, thịt lợn, rau củ, nước mắm, cam, bưởi... do nông dân Hà Tĩnh cung cấp thông qua cửa hàng nông sản an toàn được bán với mức giá hợp lý đã trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Và, mô hình này cần được phát triển rộng khắp.
Năm 2010, cửa hàng nông sản an toàn được thành lập, do Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân Hà Tĩnh) quản lý. Hoạt động của cửa hàng những năm qua đã góp phần tích cực, có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm cho hội viên nông dân.
Thông qua cửa hàng, người tiêu dùng đã biết đến và tin tưởng sử dụng các sản phẩm của nông dân Hà Tĩnh. Đặc biệt, cửa hàng nông sản an toàn đã phối hợp tốt, kết nối số lượng lớn các sản phẩm rau, củ, quả công nghệ cao trên cát; tiêu thụ thịt lợn và các loại hải sản trong những thời điểm giá lợn hơi giảm mạnh và xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung.
Chị Nguyễn Thanh Tú (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) chia sẻ: "Hiện nay, người tiêu dùng rất khó để lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng. Do đó, khi biết đến cửa hàng nông sản an toàn, tôi không còn nơm nớp nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm mỗi khi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Bởi những sản phẩm ở đây được lựa chọn từ các đơn vị sản xuất có uy tín ở Hà Tĩnh và còn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng."
Ngay khi sản phẩm có năng suất chất lượng, được sự kết nối, giới thiệu của các cấp hội nông dân, chị Nguyễn Thị Hiên (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) đưa sản phẩm gạo vào bày bán tại cửa hàng. Chị Hiên phấn khởi cho hay: "Trung bình mỗi ngày, cửa hàng giúp gia đình và người nông dân ở Cẩm Thành tiêu từ 1 - 3 tạ gạo, cao điểm còn lên đến 3 - 4 tạ. Ở đây không chỉ đơn giản là việc giúp chúng tôi tiêu thụ sản phẩm mà còn là kênh giới thiệu để nhiều người biết đến sản phẩm sạch, chất lượng của nông dân."
Chị Bùi Thị Nga - người bán hàng tại đây cho biết, hiện cửa hàng đang giới thiệu, kinh doanh gần 100 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Các sản phẩm ở đây đều được sự giới thiệu của Hội Nông dân các cấp nên đảm bảo về chất lượng và có uy tín, nhờ vậy, được người tiêu dùng trên địa bàn yên tâm, tin tưởng lựa chọn hàng ngày.
Nhằm quảng bá sản phẩm nông sản của các vùng miền, đồng thời tạo điều kiện để người dân có được địa chỉ để trao đổi, giới thiệu sản phẩm do mình làm ra, tìm hướng tiêu thụ, Hội Nông dân huyện Hương Sơn cũng đã phối hợp mở cửa hàng giới thiệu các mặt hàng nông sản của địa phương. Dù mới khai trương, song cửa hàng đã thu hút đông đảo người dân đến tìm hiểu và mua sản phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Anh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết, bên cạnh hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, tiếp cận các chính sách, Hội Nông dân các cấp cần thường xuyên tuyên truyền, vận động và định hướng phát triển sản xuất cho hội viên theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất theo những gì mình đang có và sản xuất những sản phẩm dễ làm, theo truyền thống. Cùng với sản xuất, cần quan tâm thực hiện đầy đủ về hồ sơ pháp lý chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác, đóng gói… qua đó, việc giới thiệu sản phẩm tại các cửa hàng sẽ thuận lợi hơn.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp với các địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình cửa hàng nông sản an toàn cấp huyện; liên kết với cửa hàng của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh thành chuỗi cửa hàng của tổ chức hội để hoạt động thống nhất và hiệu quả; phối hợp với các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong nông thôn mới, du lịch biển để giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
- Sản phẩm công nghiệp nào của Hà Tĩnh tăng trưởng trong quý I/2024? (04-12-2019)
- TP Hà Tĩnh có thêm 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao (04-12-2019)
- Huyện Hương Sơn có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao (04-12-2019)
- "Cú hích" để hợp tác xã nâng tầm sản phẩm (04-12-2019)
- Nâng tầm giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (04-12-2019)