(Baohatinh.vn) - Việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số đã tạo cú hích cho các hợp tác xã sản xuất, nuôi trồng ở Hà Tĩnh nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Thời gian qua, thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn của tỉnh, các địa phương và ngành chuyên môn nên việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất ngày càng được các HTX, tổ hợp tác hết sức quan tâm.
Tại TP Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ đã được triển khai tại nhiều xã, phường trên địa bàn.
Ghi nhận tại xã Thạch Hạ, trên diện tích hơn 1.000 m2 tại khu vực Đồng Ghè, HTX Hà Hoàng đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, hệ thống chuồng nuôi cua bằng hộp nhựa. Nhờ sự tư vấn, hướng dẫn chi tiết của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi nên HTX Hà Hoàng đã sử dụng công nghệ cân bằng khoáng và hệ thống lọc nước tuần hoàn. Đây là phương thức nuôi tiết kiệm được không gian, lượng nước đầu vào và kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi, thức ăn, quá trình sinh trưởng và phát triển của cua nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc HTX Hà Hoàng cho biết: “Nhờ áp dụng quy trình công nghệ vào quá trình nuôi nên đã rút ngắn được rất nhiều thời gian nuôi so với hình thức nuôi cua quảng canh như trước đây. Ở giai đoạn trưởng thành, mỗi vụ, HTX nuôi được hơn 1.000 con cua thương phẩm, sản lượng trung bình khoảng 4 tạ. Ước tính mỗi năm nuôi được 4 vụ, xuất bán ra thị trường gần 1,2 tấn cua với giá bán dao động trên dưới 600 ngàn đồng/kg”.
Cùng với nuôi cua trong hộp, HTX Hà Hoàng còn triển khai nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh. Tôm được nuôi bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, giúp hấp thụ dinh dưỡng triệt để, tăng cường sức đề kháng. Sau hơn 75 ngày, tôm đạt trọng lượng 50 - 60 con/kg, năng suất đạt trên 8,5 tấn/ha tôm thương phẩm, doanh thu gần 1 tỷ đồng/vụ.
Ông Trần Viết Phương – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh cho biết: “Mặc dù diện tích đất ven đô của thành phố khá lớn song chủ yếu là đất hoang hóa, nhiễm phèn, nhiễm mặn. Người dân chỉ lựa chọn được một số vùng để nuôi thủy sản quảng canh, sản xuất lương thực manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác hết diện tích đất đai thì việc ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ là giải pháp mang tính then chốt. Ngoài nuôi cua trong hộp nhựa, nuôi tôm thâm canh tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh thì các mô hình như: trồng sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch, nuôi cá rô đầu vuông trong ao đất, nuôi cá chạch sụn, cua đồng, nuôi cá lóc bông trong vùng ao đất nhiễm phèn, nuôi trai lấy ngọc, trồng rau, củ, quả trong nhà màng… cũng đã mang lại hiệu quả”.
Còn tại huyện Thạch Hà, nhờ sự khuyến khích, hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn, nhiều HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trồng trọt. Hiện nay, Thạch Hà đã công nhận quy trình sản xuất thực hành tốt cho các tổ hợp tác trồng cam, bưởi, rau VietGAP với diện tích gần 100 ha bưởi, cam và 10 ha rau các loại. Một số sản phẩm chế biến sâu như: gạo ngọc mầm, trà gạo lứt Omega, bún bánh, miến, nấm… đã có thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo số liệu từ Liên minh HTX Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 19 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng; 17 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, quản lý như: ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; quản lý, giám sát chăn nuôi thông qua hệ thống camera, máy tính; ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển bán tự động trong quá trình tưới nước và bón phân trong nhà lưới, nhà màng để trồng rau; ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) để thu thập các chỉ số của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, độ pH...) một cách liên tục và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để trồng cây ăn quả...
Ngoài ra, toàn tỉnh có 110 sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác đạt chứng nhận OCOP. Các sản phẩm này đều có ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như: xây dựng trang website, sử dụng thư điện tử và một số HTX đã sử dụng phần mềm kế toán, ứng dụng các hình thức thanh toán điện tử…
Thời gian tới, Liên minh HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp; cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX, trong đó, chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ các HTX tiếp cận, thụ hưởng 8 nhóm chính sách theo nghị quyết của Trung ương.
Tăng cường tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh về thực hiện chuyển đổi số thành công. Tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, nhất là kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
- Sản phẩm công nghiệp nào của Hà Tĩnh tăng trưởng trong quý I/2024? (09-04-2024)
- TP Hà Tĩnh có thêm 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao (09-04-2024)
- Huyện Hương Sơn có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao (09-04-2024)
- Nữ thủ lĩnh hợp tác xã sở hữu 3 sản phẩm OCOP 3 sao ở Hà Tĩnh (09-04-2024)
- Nâng tầm giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (09-04-2024)