Kỳ Anh tập trung xây dựng chuỗi cung ứng nông sản sạch, sản phẩm OCOP (28-07-2023)

Để đưa các sản phẩm đảm bảo chất lượng vào chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang từng bước thực hiện việc truy xuất nguồn gốc toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa.

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh trao đổi với chủ cơ sở sản xuất xúc xích Tứ Yên về hồ sơ truy xuất sản phẩm.

Từ một cơ sở sản xuất giò chả, năm 2019 vợ chồng chị Trương Thị Yến, anh Nguyễn Đình Tuất, ở thôn Hồ Hải, xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh) đã mạnh dạn chuyển sang một bước mới: sản xuất xúc xích với thương hiệu Tứ Yên.

Để tạo được sản phẩm uy tín về chất lượng, mẫu mã và đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, anh chị đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng, lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín hiện đại với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng.

 

Chị Trương Thị Yến vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất xúc xích

Quá trình sản xuất được được tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn nguyên liệu thịt lợn, gia vị rõ nguồn gốc, chất lượng tốt; khâu chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với phương châm sản xuất 3 không: “Không sử dụng chất bảo quản, không hàn the và không phụ gia tạo màu, tạo vị”.

Năm 2022, sản phẩm xúc xích Tứ Yên của gia đình chị Yến đã được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Không dừng lại ở đó, sản phẩm tiếp tục được huyện Kỳ Anh lựa chọn xây dựng cơ sở dữ liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo hướng ứng dụng hệ thống Egap.vn để truy xuất về: lợn tại trại chăn nuôi (trại chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y), đến cơ sở giết mổ, nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến sản phẩm xúc xích.

Hàng ngày, cơ sở cập nhật toàn bộ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, chuyển lên hệ thống để bên đơn vị quản lý chuỗi cung ứng nông sản của huyện là Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi kiểm duyệt, sau đó cơ sở in tem truy xuất để dán lên sản phẩm lưu hành.

 

Kiểm tra mẻ sản phẩm mới “ra lò” trước khi đem đi bảo quản.

Chị Trương Thị Yến cho biết: “Dù đã đạt chuẩn OCOP 3 sao và được người tiêu dùng đón nhận nhưng với việc được gia nhập chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ của huyện là cơ hội không thể tốt hơn để sản phẩm của chúng tôi được hoàn thiện hơn về mọi mặt và khẳng định uy tín trên phạm vi rộng hơn.

Điều rất phấn khởi và yên tâm là cơ sở chúng tôi luôn nhận được sự động viên và đồng hành hỗ trợ của huyện, đặc biệt là của cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ”.

 

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh kiểm tra sản phẩm gạo hữu cơ Kỳ Phú.

Đến thời điểm này, trong số 35 sản phẩm OCOP của huyện Kỳ Anh được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử https://nongsankyanh.com, có 3 sản phẩm đã hoàn thành các bước truy xuất nguồn gốc trên nền tảng eGap.vn (xúc xích Tứ Yên, ổi Ba Cụp và gạo hữu cơ Kỳ Phú) và 6 sản phẩm đang trong quá trình xây dựng quy trình truy xuất.

Về sản phẩm gạo hữu cơ Kỳ Phú, bắt đầu từ vụ xuân năm 2023, thực hiện Nghị quyết 06 của tỉnh, xã Kỳ Phú đã dồn điền, đổi thửa hình thành cánh đồng lớn 65 ha; trong đó xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại thôn Phú Minh, liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, với 53 hộ tham gia. Người dân được tham quan, học tập kinh nghiệm, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật, trong đó thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất.

 

Sản phẩm gạo hữu cơ Kỳ Phú có giá bán 30 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều lần gạo thông thường.

Giống lúa được chọn sản xuất là giống chất lượng cao ST25 trong vụ xuân (vụ hè thu sử dụng giống Khang Dân, Xuân Mai để liên kết cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến bún, bánh), sản xuất cùng một loại giống, ngâm ủ cùng ngày, gieo cấy cùng thời vụ, chăm sóc cùng một quy trình canh tác để tạo ra một sản phẩm đồng nhất. Không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong toàn bộ quá trình sản xuất; sử dụng phân bón hữu cơ, phân khoáng hữu cơ, phân chuồng được ủ bằng chế phẩm vi sinh và được gắn camara giám sát toàn bộ khu vực đồng ruộng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm thể hiện toàn bộ quá trình này trên tem truy xuất nguồn gốc.

Mặc dù năng suất không cao so với nhiều giống lúa hiện tại, chỉ 2,2 tạ/sào, tuy nhiên, giá bán sản phẩm lúa ST25 đạt 13 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi so với bình quân giá lúa thông thường. Sản phẩm gạo hữu cơ Kỳ Phú có giá bán 30 nghìn đồng/kg.

Ông Hoàng Minh Luyến - Bí thư Chi bộ thôn Phú Minh chia sẻ: “Bà con ở đây đã từng rất đồng tình, ủng hộ khi được sản xuất trên đồng ruộng được chuyển đổi; nay sản phẩm được thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc và tham gia chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP của huyện, nên càng hết sức yên tâm, phấn khởi”.

Ổi Ba cụp Kỳ Đồng là 1 trong 3 sản phẩm của huyện Kỳ Anh đã hoàn thành các bước truy xuất nguồn gốc trên nền tảng eGap.vn. Ảnh tư liệu

Triển khai thực hiện chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP, huyện Kỳ Anh giao Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện làm đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm quản lý; hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật và kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; quản lý, vận hành kênh thương mại điện tử https://nongsankyanh.com; quản lý truy xuất nguồn gốc chất lượng các sản phẩm…

Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất có sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng, xây dựng cơ sở dữ liệu, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo yêu cầu truy xuất được toàn bộ thông tin quá trình sản xuất, đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Huyện cũng giao ngành NN&PTNT phối hợp với các phòng ngành, đơn vị chức năng rà soát việc quản lý, thẩm định cấp giấy chứng nhận ATTP; định kỳ thẩm định điều kiện đảm bảo ATTP đối với hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

 

Lãnh đạo huyện Kỳ Anh trong lễ ra mắt sàn thương mại điện tử của huyện (3/2023).

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP của huyện hiện nay là hết sức cấp thiết và phải tập trung cao, với mục tiêu đến 30/8/2023, có 100% sản phẩm thuộc chuỗi của huyện được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, từng bước tích hợp thông tin với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Tuy nhiên, ông Hải cũng nêu ra một số khó khăn trong việc xây dựng chuỗi, nhất là do thói quen tiêu dùng nên còn ít người quan tâm lựa chọn sản phẩm được truy xuất rõ nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm thực sự sạch, minh bạch thông tin quá trình sản xuất; nhận thức của nhiều cơ sở sản xuất về vấn đề này chưa cao,…

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cao tính hiệu quả trong thực hiện xây dựng chuỗi cung ứng như: Nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng; xây dựng mô hình mạng lưới hậu cần để đảm bảo sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ được liên tục; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm. Riêng đối với các sản phẩm thuộc hệ thống chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP của huyện thì yêu cầu thực hiện kiểm tra các nội dung về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng/1 lần; yêu cầu các cơ sở phải thực hiện thử nghiệm mẫu hàng hóa 1 năm/1 lần, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh - Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo: Báo Hà Tĩnh

 

Quảng cáo