Nâng hạng sản phẩm OCOP - “chìa khóa” mở rộng thị trường (02-11-2024)

(Baohatinh.vn) - Hành trình bền bỉ và những nỗ lực trên chặng đường nâng hạng sản phẩm OCOP của các chủ cơ sở ở Hà Tĩnh đã được đền đáp khi họ nắm trong tay “tấm thẻ bài” đưa sản phẩm vươn xa.

 

Ngày 15/10/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã ký Quyết định số 2394/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp chứng nhận sản phẩm đạt 4 sao thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024. Theo đó, đã công nhận 8 sản phẩm của 8 chủ thể đạt chuẩn OCOP 4 sao, trong đó, 7 sản phẩm đánh giá, phân hạng lần đầu và 1 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại. Dịp này, địa phương có nhiều sản phẩm được nâng hạng nhất là huyện Thạch Hà (3 sản phẩm), huyện Kỳ Anh 2 sản phẩm và các huyện Hương Sơn, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên mỗi địa phương 1 sản phẩm.

Đây là niềm vui lớn đối với các chủ cơ sở sản xuất bởi những nỗ lực trên chặng đường nâng hạng sản phẩm OCOP đã được đền đáp xứng đáng. Sản phẩm OCOP 3 sao được nâng cấp lên 4 sao là “tấm thể bài” để họ mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và tham gia xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

096-2406-8168.jpg

Sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm được sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại.

Từ khi được nâng hạng sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao cho sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm, hợp tác xã (HTX) Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) đón nhận nhiều đơn hàng mới đối với thị trường nội địa. Ngoài ra, HTX cũng đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất các lô sản phẩm xuất ra nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết.

Ông Lê Văn Duẩn – Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm phấn khởi: “Với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản quê hương, chúng tôi đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại sản xuất và xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm. Năm 2024, sản phẩm của HTX đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước: Nhật Bản, Nga, Ba Lan, Anh… Đặc biệt, từ khi sản phẩm được nâng hạng lên OCOP 4 sao cấp tỉnh, đơn hàng trong tháng 10 này đã đạt trên 800.000 bánh (tăng hơn 200.000 bánh so với tháng 9/2024), đưa tổng sản lượng tiêu thụ 10 tháng năm 2024 tăng trên 20% so với 10 tháng năm 2023".

 

Được biết, những tháng cuối năm, HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm nỗ lực để đạt mục tiêu sản xuất 5,5 triệu bánh, doanh thu 8 tỷ đồng. Đặc biệt, việc nâng hạng sản phẩm là tiêu chuẩn quan trọng để đơn vị từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và một số nước châu Âu.

093-4358-7111.jpg

2 tháng cuối năm 2024, HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng dự kiến xuất 10.000 lít nước mắm ra thị trường.

Thương hiệu nước mắm Phú Sáng của HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng (Cẩm Xuyên) ra đời từ sự trao truyền, tiếp nối qua các thế hệ. Với những nỗ lực trong quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, năm 2021, nước mắm Phú Sáng chính thức được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tuy nhiên, với khát vọng tiếp tục nâng tầm sản phẩm, không ngừng mở rộng thị trường, HTX đã quyết tâm nâng hạng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Sáng – Giám đốc HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng cho hay: “Việc nâng hạng sản phẩm OCOP là một hành trình dài, nhiều khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt. Tuy nhiên, để thực hiện ước mơ đưa sản phẩm thủy hải sản vùng cửa biển vươn xa, HTX đã nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng công nghệ hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với việc nâng cấp bao bì, nhãn mác nhận diện… Những cố gắng của các thành viên HTX đã được đền đáp khi tháng 10/2024, nước mắm Phú Sáng chính thức được nâng hạng lên sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Sức mạnh truyền thông cùng với chính sách tiếp thị, marketing từ HTX, nước mắm Phú Sáng đã tìm được các đối tác mới và các đối tác cũ cũng đã gia tăng đơn hàng. Theo đó, 10 tháng năm 2024, đơn vị xuất ra thị trường 20.000 lít nước mắm các loại và từ nay đến cuối năm tập trung hoàn thành các đơn hàng với tổng sản lượng 10.000 lít để xuất ra thị trường”.

Để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng vừa đầu tư 1,4 tỷ đồng xây dựng trạm biến áp chuyên dùng, đảm bảo nguồn điện phục vụ dây chuyền sản xuất, dây chuyền chiết rót, đóng chai tự động. Cùng đó, hiện nay, HTX đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để xuất khẩu nước mắm Phú Sáng qua thị trường Úc bằng con đường chính ngạch.

 

z5974204863608-923df5252d46ccd35dd8766df2c5767e-2925-640.jpg

HTX Mật ong Cường Nga chuyển giao kỹ thuật nuôi ong và bao tiêu sản phẩm mật ong cho người dân các xã của huyện Hương Sơn.

Thời điểm này, HTX Mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm, Hương Sơn) cũng đang tập trung cho công tác chế biến sản phẩm theo dây chuyền công nghệ để đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sơ chế, chế biến sản phẩm giúp đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản và giữ chất lượng ổn định cho sản phẩm. Mật ong Cường Nga vừa được công nhận đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh đã giúp nâng tầm sản phẩm, đơn hàng của HTX không ngừng gia tăng giai đoạn cuối năm. Tính riêng trong tháng 10/2024, sản lượng xuất ra thị trường tăng trưởng hơn 30% so với tháng 9/2024. Theo đó, 10 tháng năm 2024, chúng tôi đã xuất ra thị trường trên 7.000 lít mật ong, doanh thu trên 2,8 tỷ đồng. Từ nay đến tết Nguyên đán 2025, HTX dự kiến tiêu thụ trên 7.000 lít mật ong, nâng tổng doanh thu năm 2024 gần 6 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh: Sau 5 năm thực hiện, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩn.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, công nhận 354 sản phẩm, trong đó 254 sản phẩm có hiệu lực chứng nhận OCOP, gồm 14 sản phẩm 4 sao và 240 sản phẩm 3 sao. Tín hiệu đáng mừng là các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều tăng trưởng nhanh; doanh số bán hàng bình quân tăng 40%, thậm chí có những sản phẩm tăng 2 – 4 lần so với trước đó; nhiều sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và dần khẳng định được thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước.

 

076-2706-2160.jpg

Các chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP ở Hà Tĩnh đã chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tiết giảm chi phí lao động.

Việc nâng hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã mở ra nhiều triển vọng, tạo cơ hội phát triển cho các chủ cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP 4 sao chỉ có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Bởi vậy, để giữ vững thương hiệu, các chủ cơ sở cần tiếp tục tập trung các điều kiện như: không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác bao bì, sở hữu trí tuệ...; từ đó chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng.

Nguồn: Báo Hà 

Quảng cáo