Thúc đẩy hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía Bắc (05-10-2024)

(Baohatinh.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà mong muốn TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía Bắc kết nối đầu tư những lĩnh vực mà Hà Tĩnh đang ưu tiên như công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, logistics, nông nghiệp hữu cơ…

(Baohatinh.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà mong muốn TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía Bắc kết nối đầu tư những lĩnh vực mà Hà Tĩnh đang ưu tiên như công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, logistics, nông nghiệp hữu cơ…

Ngày 2/10, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra hội nghị sơ kết thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2023-2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị và đại diện một số doanh nghiệp Hà Tĩnh tham dự.

screenshot-19-1-4448.png
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà tham dự hội nghị. (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng).

Thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa UBND TP Hồ Chí Minh và 9 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ (Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế) được ký kết ngày 25/3/2023. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, xúc tiến đầu tư, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực khác.

Cho đến nay, TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong hợp tác phát triển KT-XH. Những chương trình hợp tác cụ thể, từ việc quảng bá sản phẩm địa phương tại TP Hồ Chí Minh đến các dự án liên kết đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số đã có những kết quả thiết thực.

Tỉnh Hà Tĩnh và TP Hồ Chí Minh có hợp tác song phương trên các lĩnh vực: phối hợp xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng của hai địa phương nhằm thúc đẩy tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour du lịch kết nối các tuyến, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch hướng đến cộng đồng; hợp tác trong thu hút đầu tư các dự án vào tỉnh Hà Tĩnh.

 

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã phát biểu đánh giá hiệu quả hoạt động hợp tác thời gian vừa qua. Đồng thời, đề xuất nhiều nội dung hợp tác trong thời gian tới phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.

106530-dong-chi-pho-chu-tich-ubnd-tinh-nguyen-duc-vuong-phat-bieu-tai-hoi-nghi-16512502-1567.jpg
Hội nghị có hơn 180 đại biểu đến từ TP Hồ Chí Minh và 9 tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ tham gia.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà khẳng định: Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Hà Tĩnh và TP Hồ Chí Minh luôn được lãnh đạo thành phố và tỉnh quan tâm, thường xuyên trao đổi, phối hợp, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo động lực, niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương hai bên thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm phát triển KT-XH, xây dựng cơ chế, chính sách về xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp...

4-795.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà phát biểu tại hội nghị.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà cũng thông tin một số kết quả đạt được từ việc thực hiện thoả thuận hợp tác giữa Hà Tĩnh và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 22 dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký trên 8.400 tỷ đồng. Hà Tĩnh cũng đã kí các biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về đầu tư, khai thác, phát triển cảng biển, Trung tâm logistics tại Cảng Vũng Áng – Sơn Dương của Hà Tĩnh. Các lĩnh vực khác cũng được thực hiện tốt và có hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn thời gian tới, cần đẩy mạnh hợp tác các nội dung từ các biên bản đã ký kết. Đồng thời, đề nghị TP Hồ Chí Minh với vai trò là thành phố lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất TP Hồ Chí Minh và các địa phương quan tâm kết nối đầu tư những lĩnh vực mà Hà Tĩnh đang ưu tiên như: công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, logistics, cảng biển, du lịch biển, nông nghiệp hữu cơ; phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ với mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhấn mạnh các giải pháp về phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh và xây dựng các mô hình phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong thời đại mới.

 

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các địa phương cam kết sẽ triển khai ngay các kế hoạch hợp tác, đồng thời nỗ lực phối hợp để đưa những thỏa thuận hợp tác đi vào thực tế một cách hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân và doanh nghiệp trong vùng.

Quảng cáo